Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI THẾ GIỚI NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA THẾ KỶ XXI.




CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI THẾ GIỚI
                        NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA THẾ KỶ XXI.


Có thể nói rằng, lịch sử chính trị-xã hội thế giới cũng là lịch sử phát triển của xã hội loài người. Nói khác đi, lịch sử chính trị-xã hội là lịch sử các thời kỳ tiến hóa của nhân loại, nhưng người ta chỉ ghi lại được nó, từ khi có chữ viết, khoảng trên 5000 năm nay thôi. Theo sự ghi lại đó, người ta thấy rằng, bề mặt trái đất không có gì thay đổi, hoặc thay đổi rất ít khoảng 509.400.000 km2, trong đó biển cả chiếm hơn 70% (316.000.000 km2) phần còn lại là các lục địa (đất liền) chỉ dưới 30% (148.400.000 km2)  Thế nhưng, cư dân sống trên các lục địa thì lại thay đổi rất nhiều - từ 108 triệu người năm 2000 trước công nguyên (TCN) tăng thành 120 triệu năm 1000 TCN.

Đầu công nguyên (ĐCN=0001) dân số thế giới có 138 triệu, tăng thành 275 triệu năm 1000 sau ông nguyên (SCN). Và, từ 450 triệu năm 1500 tăng thành 1000 triệu năm 1830. Thế giới có tỷ người thứ hai năm 1930. Tỷ người thứ 3 năm 1960. Tỷ người thứ 4 năm 1975. Tỷ người thứ 5 năm 1987. Tỷ người thứ 6 năm 1999. Và tỷ người thứ 7 vào năm 2011. Dự báo dân số thế giới năm 2025 trên dưới 8 tỉ, và năm 2050 trên dưới 9,5 tỉ người.

I

Sách bách khoa thế giới (WB) năm 2007, ghi nhận thế giới có 194 quốc gia độc lập và 6.474 triệu cư dân, trong đó 48 quốc gia ở Châu Á chiếm 44.103.000 km2 diện tích đất, và 3.970 triệu cư dân. Kế đến là Châu Phi có 53 nước, chiếm 30.250.000 km2, và số 897 triệu. Tiếp nửa là Châu Âu có 44 nước chiếm 10.456.000 km2, và 700 triệu. Bắc Mỹ có 23 nước chiếm 24.198.000 km2, và 516 triệu. Nam Mỹ có 12 nước chiếm 17.866.000 km2,và 368 triệu. Và, Châu Đại Dương có 14 nước, chiếm 8.544.000 km2 diện tích đất, và 33 triệu cư dân.

Trong số 48 quốc gia ở Châu Á thì trước chiến tranh thế giới lần thứ I có 10 nước độc lập, sau chiến tranh thêm 3 nước. Và phải sau chiến tranh thế giới lần II mới có thêm 35 quốc gia độc lập. 53 quốc gia ở Châu Phi thì trước chiến tranh thế giới lần I có 2 nước độc lập, sau chiến tranh thêm 2 nước, và 49 nước phải sau chiến tranh thế giới II mới được độc lập. Còn 44 quốc gia tại Châu Âu, trước thế chiến I chỉ có 20 nước, sau chiến tranh thêm 8 nước, và sau chiến tranh thế giới lần II có thêm 17 quốc gia độc lập. 23 quốc gia độc lập tại Bắc Mỹ trước thế chiến I có 11 nước, sau thế chiến thêm 1 nước, và 11 nước độc lập sau thế chiến II. 12 quốc gia độc ở Nam Mỹ, có 9 nước độc lập trước thế chiến I, sau thế chiến thêm 1 nước, và 2 nước độc lập sau thế chiến II. Và trong số 14 quốc gia độc lập ở Châu Đại Dương, có 2 nước độc lập trước thế chiến I, và 12 nước độc lập sau thế chiến II.

Về thể chế chính trị thì toàn thế giới có 27 nước Quân chủ lập hiến, 16 nước nhận Nữ hoàng Anh làm nguyên thủ quốc gia, 14 nước Hồi giáo, 4 nước Cộng sản và, 135 nước theo chế độ Cộng hoà. Châu Á có 11 nước Quân chủ lập hiến, 10 nước Hồi giáo, 3 nước Cộng sản, và 24 nước Cộng hoà. Châu Phi có 3 nước Quân chủ lập hiến, 4 nước Hồi giáo, và 46 nước Cộng hoà. Châu Âu có 11 nước Quân chủ lập hiến, và 33 nước Cộng hòa. Bắc Mỹ có 11 nước nhận Nữ hoàng Anh làm nguyên thủ quốc gia, 1 nước Cộng sản, và 11 nước Cộng hoà. Nam Mỹ có 12 nước đều theo chế độ Cộng hoà. Và Châu Đại Dương, có 2 nước Quân chủ lập hiến, 5 nước nhận Nữ hoàng Anh làm nguyên thủ quốc gia, và 7 nước theo chế độ Cộng hoà.

Xin lưu ý rằng, trong số các quốc gia Hồi giáo, đều là Cộng hoà Hồi giáo. Hồi giáo còn có thêm 5 nước theo chế độ Quân chủ Hồi giáo là Jordan, Ả Rập Xê Út, Bahrain, Qatar, và Oman.

II

Sách Niên giám Thế giới (WA) xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2007, thì toàn thế giới có 6.526,743 triệu người, sống trên 133.232.992 km2 tổng diện tích đất, trong đó có 3.964 triệu người sống ở lục địa Châu Á, sản xuất ra tổng sản lượng hàng hoá và dịch vụ (GNP) 23.891,3 tỷ USD, bình quân đầu người 6.027 USD. 19 nước Tây Nam Á là Thổ Nhĩ Kỳ, Gru Dia, Armenia, Azerbaijan, Cyprus, Syria, Lebanon, Israel, Jordan, Iraq, Iran, Afghanistan, Ả Rập Xê Út, Kuwait, Bahrain, Qatar, Ả Rập Emirate, Oman và Yemen có 302 triệu cư dân, tổng sản lượng 2.209,5 tỉ, bình quân đầu người 7.316 USD. 7 nước Nam Á là Pakistan, India, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Sri Lanka và Maldives có 1.476 triệu cư dân, tổng sản lượng 4.426,8 tỷ, bình quân đầu người 2.999 USD.

11 nước Đông Nam Á gồm Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Pu Chia, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei, Philippines, Indonesia và Đông Timor có 567 triệu cư dân, tổng sản lượng 2.252,9 tỷ, bình quân đầu người 3.973 USD. 5 nước Đông Á là Trung quốc, Nhật, Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên và Đài Loan, có 1.536 triệu cư dân, tổng sản lượng 14.365,5 tỷ, bình quân đầu người 9.353 USD, và tại Trung Á có 6 nước Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Mông Cố có 62 triệu cư dân, tổng sản lượng 236,6 tỷ, bình quân đầu người 3.816 USD. Riêng tại Bắc Á một phần của Liên bang Nga chiếm 12.766.000 km2 (lớn hơn toàn bộ Châu Âu) và 38 triệu cư dân, tính vào nước Nga trên lục địa Châu Âu.

Tại Châu Âu có 727 triệu người, tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ 15.147,5 tỷ, bình quân đầu người 20.836 USD, trong đó 23 nước Tây Âu là Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Ái Nhĩ Lan, Liên Hiẹp Vương quốc Anh, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Monaco, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Áo, Ý, San Marino, Vatican City, Malta, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Andorra, có 385 triệu cư dân, tổng sản lượng 12.369,4 tỷ, bình quân đầu người 29.523 USD.

17 nước Trung Âu là Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Romania, Slovenia, Croatia, Bosnia Herzegovina, Serbia, Montenegro, Macedonia, Bulgaria, Albania và Hy Lạp có 139 triệu cư dân, tổng sản lượng 1.758,8 tỷ, bình quân đầu người 12.653 USD. Và 4 nước Đông Âu Belarus, Ukrain, Moldova và Nga có 202 triệu cư dân, tổng sản lượng 2.019,3 tỷ, bình quân đầu người 9.997 USD.

Tại Châu Phi có 914 triệu người, tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ 2.363,2 tỷ, bình quân đầu người 2.586 USD, trong đó 10 nước Bắc Phi là Morroco, Algeria, Tunisia, Libya, Ai Cập, Sudan, Chad, Niger, Mali và Mauritania, có 239 triệu cư dân, tổng sản lượng 959,3 tỷ, bình quân đầu người 4.014 USD. 29 nước Trung Phi là Cape Verde, Senegal, Gambia, Guinea Bissau, Guinea, Sierra Leon, Liberia, Cote d’ Ivoire, Burkinia Faso, Ghana, Togo, Benin, Nigeria, Cameroon, Cộng hòa Trung phi, Ethiopia, Djibouti, Eritrea, Somalia, Kenya, Uganda, Tazania, Burundi, Rwanda, Congo (Zair), Cộng hòa Congo, Gabon, và Guinea Xích đạo có 533 triệu cư dân, tổng sản lượng 676,6 tỷ, bình quân đầu người 1.269 USD.

14 nước Nam Phi là Angola, Zambia, Malawi, Mozambigue, Zimbabwe, Botswana, Namibia, Nam Phi, Lesotho, Swaziland, Mauritius, Madagascar, Sychelles và Comoros có 141 triệu cư dân, tổng sản lượng 727,3 tỷ, bình quân đầu người 5.158 USD.

Tại Bắc Mỹ có 512 triệu người, tổng sản lượng 14.955,2 tỷ, bình quân đầu người 29.209 USD, trong đó 2 nước khu vực Bắc Mỹ là Gia Nã Đại, và Hoa Kỳ có 331 triệu người, tổng sản lượng 13.500 tỷ, bình quân đầu người 40.785 USD. 8 nước Trung Mỹ là Mexico, Belize, Guatemala, El Salvador, Honduras, Nicaragua, Costa Rica và Panama có 147 triệu cư dân, tổng sản lượng 1.294,1 tỷ, bình quân đầu người 8.803 USD. Và 13 nước vùng biển Caribbe là Bahamas, Cuba, Jamaica, Haiti, Cộng hòa Dominica, St Kitts, Antigua, Dominica, St Lucia, Barbados, St Vincent, Grenada, và Trinidad, có 34 triệu cư dân, tổng sản lượng 160,9 tỷ, bình quân đầu người 4.732 USD.

Tại Nam Mỹ có 12 nước là Colombia, Ecuador, Peru, Chile, Venezuala, Guyana, Suriname, Brazil, Bolivia, Paraguay, Á Căn Đình, và Uraguay với 375 triệu cư dân, tổng sản lượng 3.112,2 tỷ, bình quân đầu người 8.299 USD. Và sau cùng, là Châu Đại Dương, có 14 nước với 32 triệu người, tổng sản lượng 764,7 tỷ, bình quân đầu người 23.897 USD, trong đó quốc gia Úc Đại Lợi có 20 triệu cư dân, tổng sản lượng 640,1 tỷ, bình quân đầu người 31.900 USD. Và 13 quốc gia Đảo trong Thái Bình Dương là New Zeland, Papua New Guinea, Đảo quốc Solomon, Vanuatu, Fiji, Tonga, Samoa, Tuvalu, Kiribati, Nauru, Đảo quốc Marshall, Micronesia, và Palau có 12 triệu cư dân, tổng sản lượng 124,6 tỷ, bình quân đầu người 10.383 USD.

III

Từ số liệu trên, ta thấy thế giới còn có sự khác nhau rất lớn về kinh tế, xã hội, khoảng cách giàu nghèo giữa các lục địa, các vùng trong lục địa, thậm chí giữa các quốc gia trong một vùng cũng có cách biệt khá xa. Chẳng hạn lục địa Bắc Mỹ có 512 triệu cư dân, tổng sản lượng tới 14.955,2 tỷ USD, bình quân đầu người 29.209 USD, so với lục địa châu Phi có 914 triệu cư dân, tổng sản lượng chỉ có 2.363,2 tỷ, và bình quân đầu người là 2.586 USD.

Hoặc ngay trong cùng một lục địa Bắc Mỹ, mà hai quốc gia phía Bắc là Gia Nã Đại và Hoa kỳ có thu nhập bình quân đầu người 40.785 USD, trong khi 13 nước vùng Caribbe thu nhập bình quân chỉ 4.732 USD. Hay cả 5 quốc gia trong cùng một vùng Đông Á, thì Nhật Bản có thu nhập bình quân đầu người là 32.500 USD, Đài Loan 27.600 USD, Nam Hàn 20.400 USD thì Trung Quốc chỉ có 6.800 USD, thậm chí quốc gia Bắc Hàn, thu nhập bình quân của họ chỉ 1.700 USD.

Về trao đổi thương mại quốc tế, thì Châu Âu dẫn đầu thế giới xuất khẩu 3.527,5 tỷ USD bình quân 4.852 USD/người, nhập khẩu 4.341,1 tỷ, bình quân 5.971 USD/người. Kế đến là Châu Á xuất khẩu 3.140,6 tỷ USD, bình quân 792 USD/người, nhập khẩu 2.669,6 tỷ, bình quân 673 USD/ người. Bắc Mỹ xuất khẩu 1.551,3 tỷ, bình quân 3.030 USD/người, nhập khẩu 2.314,1 tỷ, bình quân 4.520 USD/người. Nam Mỹ xuất khẩu 300,7 tỷ, bình quân 802 USD/người, nhập khẩu 210,5 tỷ, bình quân 561 USD/người. Châu Phi xuất khẩu 313,1 tỷ, bình quân 343 USD/người, nhập khẩu 247,5 tỷ, bình quân 271 USD/người. Châu Đại Dương xuất khẩu 130,2 tỷ, bình quân 4.068 USD/người, và nhập khẩu 148,0 tỷ, bình quân 4.624 USD/người.

Về nợ nước ngoài, Châu Âu cũng đứng đầu thế giới 2.758,2 tỷ USD, bình quân nợ 3.794 USD/người. Kế đến là Bắc Mỹ, nợ nước ngoài 2.128,7 tỷ USD, bình quân nợ 4.058 USD/người. Châu Á nợ 1.449,0 tỷ, bình quân nợ 366 USD/người. Nam Mỹ nợ 563,6 tỷ, bình quân nợ 1.503 USD/người. Châu Đại dương nợ 359,3 tỷ, bình quân nợ 11.228 USD/người.Châu Phi nợ nước ngoài 305,9 tỷ USD, bình quân nợ 335 USD/người.

IV

Mục tiêu thứ 3 Hiến chương Liên Hiệp Quốc chỉ rõ: "Thực hiện hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và nhân đạo". Trong hai năm 2005 và 2006, các nước phát triển đã cấp viện trợ không hoàn lại cho các nước đang phát triển một số tiền khá lớn, từ tổng sản lượng quốc gia của họ (GNP). Đứng đầu tổ chức các nước cấp viện là Thụy Điển, kế đến là Na Uy, Lục Xâm Bảo, Hà Lan, Đan Mạch, Ái Nhĩ Lan, Anh, Bỉ, Áo, Pháp, Phần Lan, Thụy Sĩ, Đức, Tây Ban Nha, Gia Nã Đại, Úc, Bồ Đào Nha, Tân Tây Lan, Nhóm nước G7, Nhật Bản, Ý, Hoa Kỳ, và Hy Lạp.

Năm 2006 Thụy Điển cấp viện 3.967 triệu USD, chiếm 1,03% tổng sản lượng quốc gia (GNP), và trước đó năm 2005 cấp 3.363 triệu USD chiếm 0,94% tổng sản lượng quốc gia đứng hàng thứ nhất. Đứng hàng thứ 2 là Na Uy năm 2006, cấp viện 2.946 triệu USD chiếm 0.89% tổng sản lượng, và trước đó năm 2005 cấp 2.786 triệu USD chiếm 0.94% tổng sản lượng quốc gia. Hoa Kỳ đứng tuy hàng thứ 22/23 nước cấp viện trợ, nhưng số tiền cấp viện của Hoa Kỳ năm 2006 là 22.739 triệu USD chiếm 0,17%, và trước đó năm 2005 cấp 27.622 triệu USD, chiếm 0,22% tổng sản lượng quốc gia.

Đứng đầu 10 nước nhận viện trợ năm 2004-2005 là Iraq nhận 6.926 triệu USD. Kế đến là A Phú Hãn nhận 1.060 triệu, Ai Cập nhận 750 triệu, Sudan 575 triệu, Ethiopia nhận 552 triệu, Jordan nhận 368 triệu, Colombia nhận 366 triệu, Palestine nhận 227 triệu, Uganda nhận 225 triệu, và nước thứ 10 là Pakistan nhận 224 triệu USD. Bên cạnh các quốc gia riêng lẻ cấp viện như trên, còn có các tổ chức hợp tác cấp vùng, khu vực, lục địa và quốc tế cũng cấp viện cho các nước nghèo, nhất là các nước đang đối diện với các vấn đề như thiên tai, dịch họa , chiến tranh tàn phá ..v.v.

V

Ngoài tổ chức Liên Hiệp Quốc, còn có các tổ chức cấp vùng, khu vực, hoặc toàn thế giới nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, y tế, khoa học, kỹ thuật và thương mại. Tại Châu Âu thì có Ngân hàng tái thiết và phát triển Châu Âu (EBRD), Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB), Ngân hàng đầu tư Bắc Âu (NIB), Ngân hàng thanh toán quốc tế (IBS), Hợp nhất tiền tệ Châu Âu (EMU), Hiệp hội mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA). Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC), Liên hiệp Châu Âu (EU), Khối thịnh vượng Anh (Commonwealth) Khu vực các nước nói tiếng Pháp (FZ), Các quốc gia độc lập vì thịnh vượng (CIS), Tổ chức Phòng thủ Bắc Đại tây dương (NATO), Tổ chức Hợp tác an ninh Châu Âu (OSCE). 

Tại Châu Á thì có Ngân hàng phát triển Châu Á (ASDB), Ngân hàng phát triển các nước Hồi giáo (ISDB), Quỹ phát triển kinh tế, xã hội các nước Ả Rập (AFESD), Quỹ tiền tệ khối Ả Rập (AMF), Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Liên đoàn Ả Rập (AL), Tổ chức các nước Ả Rập xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Liên đoàn Quốc hội Châu Á-Thái Bình Dương (APPU). Tại Châu Phi có Ngân hàng phát triển Châu Phi (ADB), Ngân hàng phát triển các nước Đông Phi (EADB), Ngân hàng phất triển các nước Tây Phi (WADB), Ngân hàng phát triển kinh tế các nước Ả Rập Bắc Phi (ABEDB), Tổ chức thống nhất Châu Phi (AU), Tổ chức hợp nhất thuế quan Nam Phi (SACA).

Tại Châu Mỹ có Ngân hàng phát triển các nước Châu Mỹ (IADB), Ngân hàng phát triển vùng Caribbe (CDB), Thị trường chung cộng đồng Caribbe (CARICOM), Thị trường chung Trung Mỹ (CACM), Hệ thống kinh tế các nước Mỹ La tinh (SELA), Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS), Hiệp hội hợp nhất các nước Mỹ La tinh (LAIA), Hiệp hội các nước vùng Caribbean. Và tại Châu Đại Dương thì có Hiệp ước an ninh Hoa Kỳ - Tân Tây Lan – Úc Đại Lợi (AMRUS). Nhóm 14 nước xuất khẩu nông nghiệp (CAIRNS GROUP).

VI

Liên Hiệp Quốc (United Nations) là tổ chức quốc tế lớn nhất. Hiến chương Liên Hiệp Quốc có hiệu lực thi hành ngày 24/10/1945 tổ chức thành 6 cơ quan chính (1) Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, (2) Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, (3) Hội đồng Kinh tế và Xã hội, (4) Hội đồng Ủy trị, (5) Văn phòng Tổng Thư kí, và (6) Toà án Quốc tế. Bên cạnh 6 tổ chức chính còn có các cơ quan đặc biệt, hoặc có liên quan như Tổ chức Lương nông thế giới (FAO); Tổ chức hàng không dân dụng (ICAO); Tổ chức lao động thế giới (ILO); Tổ chức hàng hải thế giới (IMO); Tổ chức y tế thế giới (WHO); Tổ chức sở hữu trí tuệ (WIPO); Tổ chức cảnh sát hình sự thế giới (INTERPOL); Tổ chức khí tượng thế giới (WMO); Tổ chức thương mại thế giới (WTO);

Tổ chức văn hoá, giáo dục và kỹ thuật Liên Hiệp Quốc (UNESSCO); Cao ủy về người tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR); Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF); Liên đoàn bưu chính viễn thông toàn cầu (UPU); Liên đoàn truyền thông quốc tế (ITU); Sở năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA); Ngân hàng tái thiết và phát triển (IBRD) thường gọi là Ngân hàng thế giới (WB) và 4 tổ chức thành viên của nó là Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA), Công ty tài chánh quốc tế (IFC), Sở bảo đảm đầu tư đa phương (MIGA), Trung tâm giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID); Quỹ tiền tệ quóc tế (IMF); Quỹ phát triển công nghiệp quốc tế (IFAD).

(1) Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc: Là cơ quan quyền lực cao nhất bao gôm tất cả các quốc gia thành viên. Đại diện mỗi quốc gia thành viên được quyền bỏ một phiếu. Đại Hội đồng họp hàng năm, và đặc biệt khi cần thiết. Họp đặc biệt được triệu tập bởi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, theo đề nghị của Hội đồng Bảo an, hoặc một đa số thành viên của Liên Hiệp Quốc. Quyết định các vấn đề quan trọng phải có phiếu thuận của 2/3 các nước thành viên. Các vấn đề khác, chỉ cần đa số phiếu giản đơn. Đại Hội đồng quyết định chi ngân sách, và phân bổ đóng góp ngân sách giữa các quốc gia thành viên. Một thành viên không làm tròn nghĩa vụ đóng góp số tiền tương đương 2 năm liền trước, sẽ mất quyền điều phiếu.

(2) Cơ quan quyền lực thứ 2 là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Gồm 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực là Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, và Trung quốc, 10 thành viên còn lại được bầu với nhiệm kỳ 2 năm bởi Đại Hội đồng. Không được bầu vào nhiệm kỳ kế sau khi mãn nhiệm. Hội đồng Bảo an là cơ quan được ủy thác, nhân danh Liên Hiệp Quốc duy trì an ninh, và hoà bình thế giới. Hội đồng tiến hành điều tra, xem xét các cuộc tranh chấp nào từ đó có thể đe dọa an ninh và hoà bình thế giới. Hội đồng có thể mời bất cứ thành viên nào có liên quan tham gia thảo luận. Một bên tranh chấp không phải là thành viên của Liên hiệp quốc cũng được mời trình bày sự việc.

Thủ tục quyết định vấn đề phải được 9/15 thành viên Hội đồng chấp thuận. Tất cả các vấn đề, 9 phiếu thuận phải gồm cả 5 thành viên thường trực, bởi vì họ được ban cấp quyền phủ quyết. Nếu một bên tranh chấp là thành viên của Hội đồng, thì thành viên ấy không được quyền bỏ phiếu. Hội đồng Bảo an trực tiếp triển khai các lực lượng vũ trang giữ gìn an ninh, và hòa bình đến tất cả các nơi khác nhau trên thế giới.

(3) Cơ quan chính thứ 3 là Hội đồng Kinh tế và Xã hội: Gồm 54 thành viên được bầu bởi Đại Hội đồng với nhiệm kỳ 3 năm. Trách nhiệm của Hội đồng là thực hiện chức năng của Liên Hiệp Quốc trong việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế và các vấn đề liên quan. Hội đồng có 5 ủy ban kinh tế, xã hội cấp vùng tại Châu Phi, Châu Âu, vùng Mỹ La tinh và Caribbe, vùng Châu Á - Thái Bình Dương, và vùng Trung Đông. Hội đồng họp một năm một lần.

(4) Cơ quan chính thứ 4 là Hội đồng ủy trị: Có trách nhiệm quản lý các vùng ủy trị, đặt dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, đến nay tất cả 11 vùng ủy trị đã có chính quyền độc lập. Do đó công việc của Hội đồng không còn. (5) Cơ quan quyền lực thứ 5 là Văn phòng Tổng thư ký: Có trách nhiệm quản lý công việc hành chánh của Liên Hiệp Quốc. Tổng Thư ký báo cáo lên Đại Hội đồng, và cũng có thể đưa ra trước Hội đồng Bảo an bất cứ ấn đề nào, mà từ đó ảnh hưởng đến an ninh, và hoà bình thế giới.

(6) Cơ quan chính sau cùng là Toà án Quốc tế: Là cơ quan Tư pháp của Liên Hiệp Quốc. Tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc tự nó là các bên tham gia tố tụng theo luật toà án. Những quốc gia không phải là thành viên củng có thể trở thành các bên tham gia tố tụng. Toà án có thẩm quyền xét xử các vụ kiện do nguyên đơn kiện lên toà, và các vấn đề đặt biệt do Hiến chương Liên Hiệp Quốc hoặc các Hiệp ước quy định. Quyết định của toà án chỉ ràng buộc các bên liên quan, và lưu ý mỗi bên trong các cuộc tranh chấp. Nếu một bên không thi hành bản án, thì bên kia sẽ nhờ tới Hội đồng Bảo an can thiệp.

Mười lăm (15) thẩm phán được bầu bởi Đại Hội đồng, và Hội đồng Bảo an với nhiệm kỳ 9 năm. Các thẩm phán mãn nhiệm có thể được tái bầu. Toà án thường xuyên có các phiên xử, ngoại trừ thời gian nghỉ. Tất cả các vấn đề được giải quyết bởi đa số. Trụ sở toà án tại Hague, Hà Lan.

VII

Chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đặc biệt hoặc có liên quan đến Liên Hiệp Quốc như Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) thì khuyến khích gia tăng sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, đánh cá, góp phần cải thiện thực phẩm, dinh dưỡng và điều kiện sống cho người dân ở nông thôn. Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) thì khuyến khích tăng việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, và nâng cao tiêu chuẩn sống cho người lao động. Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) thúc đẩy hợp tác kỹ thuật trên các vấn đề liên quan đến tàu biển, và vận chuyển hàng quốc tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trợ giúp đạt tới trình độ sức khỏe cho cư dân, chăm sóc y tế cao nhất nếu có thể.

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) bảo vệ tác quyền thông qua hợp tác quốc tế trên các công trình sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học, và công nghệ. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phối hợp hoạt động, và cải thiện công trình nghiên cứu khí tượng thế giới. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quản lý các hiệp ước, hợp đồng thương mại, xem xét các phương thức giao thương, theo dõi tiêu chuẩn đo lường, và thống kê thương mại khác nhau, và nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên. Tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) khuyến khích sự cộng tác giữa các quốc gia, thông qua giao lưu văn hóa, giáo dục và kỹ thuật.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tỵ nạn (UNHCR) cung cấp các sự trợ giúp cần thiết cho người tị nạn. Sở Năng lượng Hạt nhân Quôc tế (IAEA) cổ vũ sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn, và nhằm mục tiêu hòa bình. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cung cấp dịch vụ, trợ giúp tài chánh, và cố vấn phát triển cho các chương trình phục vụ bà mẹ và trẻ em trong các quốc gia đang phát triển. Liên đoàn Bưu chính Viển thông toàn cầu (UPU) hoàn thiện dịch vụ bưu chính viễn thông, khuyến khích thúc đẩy sự cộng tác viễn thông quốc tế, lập ra các qui định cho việc thu, phát vô tuyến điện báo, điện thoại và truyền thông không gian, phân bố tần số thu phát cho các vùng.

Một số cơ quan liên quan được nghe nói đến nhiều nhất là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) thường gọi là Ngân hàng Thế giới (WB) và 4 tổ chức thành viên của nó Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), Công ty Tài chánh Quốc tế (IFC), Cơ quan Bảo đảm Đầu tư đa phương (IMGA), và Trung tâm Giải quyết tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID).

Chức năng của Ngân hàng Thế giới (WB) là cho vay, và trợ giúp kỹ thuật các dự án phát triển ở các quốc gia đang phát triển. Khuyến khích đóng góp tài chánh cho những dự án từ nguồn tài chánh tư nhân và chính phủ, cung cấp quỹ cho dự án phát triển với điều kiện ưu đãi cho các nước nghèo (IDA). Khuyến khích phát triển trong lãnh vực tư nhân tại các nước đang phát triển, huy động thị trường vốn, động viên nguồn vốn tư nhân trên thế giới (IFC). Khuyến khích tư nhân đầu tư vào các nước đang phát triển, bảo đảm cho các nhà đầu tư từ những rủi ro phi kinh tế (MIGA). Cung cấp  dịch vụ, trung gian hòa giải và trọng tài quốc tế giải quyết các tranh chấp giữa các nhà đầu tư và chính phủ chủ nhà phát sinh trong quá trình đầu tư kinh doanh (ICSID).

Ngoài Ngân hàng Thế giới, Liên Hiệp Quốc còn có ba tổ chức tài chánh liên quan khác. Đó là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có nhiệm vụ khuyến khích hợp tác tiền tệ thế giới, ổn định đồng tiền lưu hành và mở rộng thanh toán thương mại quốc tế. Một quỹ khác gọi là Quỹ Phát triển Quốc tế (IFAD), với nhiệm vụ lưu động quỹ cho phát triển nông nghiệp và các dự án cải thiện nông thôn ở các quốc gia đang phát triển. Tổ chức thứ 3 gọi là Ngân hàng Tái thiết và tái Phát triển Quốc tế (IBRR) cung cấp vốn, trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển để giảm nạn nghèo đói, duy trì sự tăng trưởng kinh tế thuận lợi.

VIII

Trong nhiệm vụ duy trì an ninh và hòa bình thế giới, Liên Hiệp Quốc gởi lực lượng vũ trang đến các nơi có chiến sự, giám sát, theo dõi việc thi hành các thỏa hiệp ngừng bắn, cùng với các phương tiện cứu nạn, giúp những người chạy trốn khỏi vùng lâm chiến, lánh nạn bị đàn áp hoặc bức hại. Tính đến năm 2007 Lực lượng giữ gìn hòa bình và an ninh đang triển khai hoạt động tại Châu Á thì có Ấn Độ - Pakistan (từ 1948- ), Israel - Ả Rập (từ 1948- ), Cyprus (từ 1964- ), Cao nguyên Golan (từ 1974- ), Lebanon (từ 1978- ), Iraq – Kuwait (từ 1991 -1992), Đông Timor (từ 2000- ), Afghanistan (2002- ).

Tại Châu Âu có Georgia (từ 1993- ), Bosnia - Herzegovena (từ 1995- ), Croatia - Motenegro (từ 1996- ), Kosovo ( từ 1999- ). Và tại Châu Phi có Western Sahara (từ 1991- ), Congo Dân chủ Zair (từ 1999- ), Ethiopia - Eritrea (từ 2000- ), Liberia (2003- ), Côte d’voire (2004- ),  Sierra Leon (từ 2006- ), Burundi  (từ 2007- ) và Darfur (2007- ).

Theo báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn ngày 31.12.2006, thì số người tị nạn tại Châu Phi là 3.199.900 người gồm các nước Algeria: 95.000 đến t Morocco; Cameroon: 71.200 đến từ Chad, Cộng hoà Trung Phi; Chad: 280.800 đến từ Sudan, Cộng hòa Trung Phi; Congo (Dem, Rep): 208.500 đến tAngola, Rwanda, Burundi; Congo (Cộng hòa): 60.000 đến từ Congo (Dân chủ), Rwanda; Ai Cập: 172.000 đến từ Iraq, Palestine, Sudan; Ethiopia: 147.300 đến từ Sudan, Somali; Ghana: 50.500 đến từ Liberia, Togo; Kenya: 337.700 đến từ Somalia, Sudan, Ethiopia; Rwanda: 53.100 đến từ Congo (Dem,Rep); South Africa: 171.400 đến từ Congo (Dân chủ, Cộng hòa), Zimbabwwe, Somalia; Sudan: 296.400 đến từ Eritrea, Chad, Ethiopia; Tanzania: 485.700 đến từ Burundi, Congo (Dân chủ, Cộng hòa); Uganda: 277.800 đến từ Sudan, Congo (Dân chủ, Cộng hòa), Rwanda; và Zambia: 120.500 người đến từ Congo (Dân chủ, Cộng hòa), Angola.

Tại Châu Mỹ và Caribbe là 648.900 người gồm các nước Ecuador: 207.500 đến từ Colombia; Hoa Kỳ: 147.200 đến từ Trung Quốc, Haiti, Cuba, Somalia; Venezuela: 208.500 đến từ Colombia. Tại Đông Á và Thái Bình Dương là 953.500 người gồm Trung Quốc: 335.400 đến từ Việt Nam, Bắc Triều Tiên; Malaysia: 155.700 đến từ Philippines, Miến Điện; và Thái Lan: 408.400 người đến từ Miến Điện, Lào. Tại Nam và Trung Á là 2.914.200 người gồm các nước Bangladesh: 178.100 đến từ Miến Điện; Ấn Độ: 435.900 đến từ Trung Quốc, Nepal, Sri Lanka, Miến Điện, Bangladesh, Afghanistan; Nepal: 129.600 đến t-Bhutan, Trung Quốc; và Pakistan: 2.161.5000 người đến từ Afghanistan.

Tại Trung Đông là 5.931.000 người gồm các nước, vùng Gaza Strip: 1.017.000 đến từ Palestine; Iran: 1.025.000 đến từ Afghanistan, Iraq; Jordan: 862.700 đến từ Iraq, Palestine; Lebanon: 294.200 đến từ Palestine, Iraq; Ả Rập Xê Út: 241.000 đến từ Palestine; Syria: 1.329.300 đến từ Iraq, Palestine; Khu bờ Tây: 722.000 đến từ Palestine; và Yemen: 96.700 người đến từ Somalia. Tại Châu Âu là 301.300 người gồm các nước Nga: 187.400 đến từ Afghanistan, Gru Dia; Serbia: 77.900 người đến từ Croatia, Bosnia Herzegovena.

Tổng cộng số người tỵ nạn đến ngày 31/12/2006 là 13.948.800 người, trong đó A Phú Hãn đứng đầu sổ có 3.260.300 người, kế là Palestine 3.036.400, Iraq 1.687.800, Miến Điện 693.300, Sudan 648.000, Congo (Dân chủ, Cộng hòa) 413.300, Somalia 410.300, Burundi 393.700, Việt Nam 308.000, Eritrea 255.400, Angola 195.000, Trung quốc 158.700, Liberia 141.100, Bhutan 119.100, Morocco 116.800, Sri Lanka 108.900, Nepal 102.500, Rwanda 92.000, Chad 84.800, Ethiopia 77.800, Cộng hòa Trung Phi 73.000, Philippines 69.400, và Croatia 57.300 người (Chỉ tính các nước có trên 50.000 người).

                                                  KẾT LUẬN.

                                 

Trong 194 quốc gia độc lập trên thế giới, chỉ có một số nước ở Tây Âu, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Nhật Bản và vài nước nhỏ như Singapore, Đài Loan chính quyền đạt tới trình độ thực hiện được chức năng của nó là "Điều hành nền kinh tế quốc dân và lo phần an lạc cho cư dân". Các chính quyền còn lại từ Trung Âu, Đông Âu, Châu Á, Châu Phi, Mỹ La Tinh và Châu Đại Dương "điều hành được nền kinh tế quốc dân và lo phần an lạc cho dân chúng" có vẻ còn xa vời.

Mặc dù các nước nghèo đang có nhiều nỗ lực "Hợp tác song phương, đa phương, cấp vùng, cấp thế giới". Nhưng họ còn gặp nhiều cản ngại: không đủ tiền trang bị công nghệ hiện đại, kiến thức quản lý khoa học còn hạn chế, sinh suất lại ở mức cao, mức sống người dân chưa được cải thiện nhiều. Bên cạnh nó là các tranh chấp chính trị nội bộ, tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng, nguyên nhân làm cho người lánh nạn không ngừng gia tăng. Đó là những vấn đề chính trị-xã hội bức xúc tại các nước nghèo trong những năm đầu của thế kỷ XX
                                                                             
                                                                                 Sydney mùa Xuân năm 2008
                                                                                              
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
1. The World book Encyclopedia 1981, 1986, 2000, 2002, 2004, 2006, và 2007 USA by World Book Inc.
2. The Europa World Year Book 2000, 2003, 2004 và 2007 by Europa Publications Limited - London.
3. Whitaker’s Almanac 2001, 2003 và 2008, London by the Stationary Office Bookshops.
4. The World Almanac and book of Facts 2000, 2003, 2005, 2007 và 2008, USA by Primidia Reference Inc.
5. The Statement’s Year Book 2000, 2004,2005 và 2008, London, edited by Barry Turner.
6. The World Guide 2000, và 2005 Victoria Australia, by Hardie Grant Publishing.
7. The World Guide 1997/1998, HongKong, by Institute del Tercer Mundo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét