Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

CON NGƯỜI VÀ CUỘC SỐNG CỦA HỌ




CON NGƯỜI VÀ CUỘC SỐNG CỦA HỌ


Trong nghiên cứu CON NGƯỜI VÀ CUỘC SỐNG của họ, chúng tôi xuất phát từ hai quan điểm:

Quan Điểm 1: Chân lý là cụ thể. Khoa học là phương pháp. Mối quan hệ giữa chân lý và khoa học là: không có chân lý, thì khoa học không có đối tượng nghiên cứu. Và, không có khoa học thì chân lý cũng không được phát hiện, không được làm sáng tỏ.

Quan Điểm 2: Lùi về quá khứ để hiểu hiện tại. Có hiểu đúng hiện tại, mới dự báo được tương lai. Và tương lai trong dự báo, dù có lạc quan đến thế mấy, cái hiện thực của tương lai vẫn đến nhanh đến sớm hơn là dự báo.

Đề tài “Con Người Và Cuộc Sống Của Họ” chúng tôi sẽ trình bày dưới bốn ý: Con người là gì, họ sống ra sao, tìm định hướng gì cho nó, và sau cùng là mục đích, ý nghĩa của một đời người là gì?

 

 

Con người là gì ?


Theo cách hiểu của chúng tôi, ở hành tinh nào thì chúng tôi không biết, chứ hành tinh TRÁI ĐẤT, nơi chúng ta đang sống, mỗi CON NGƯỜI chỉ có một lần sinh, một lần chết, không lập lại, không tái sinh. Và, con người cũng chỉ là một SẢN PHẨM của tự nhiên - một loài của giới động vật.  Nhưng trong giới động vật, con người là một con vật có văn hóa. Văn hóa của con người được thể hiện trên đời sống vật chất và đời sống tinh thần ở con người cao hơn và tiến bộ hơn so với con vật.

Song, đó chỉ là cái bên ngoài, cái hiện tượng của văn hóa. Còn cái bên trong, bản chất của văn hóa chính là sự hiểu biết của con người, và các cách ứng dụng sự hiểu biết đó vào tổ chức đời sống.

 

 

Con người sống ra sao?


Đến giờ này thì sự hiểu biết của loài người đã trải qua ba bước phát triển: hiểu biết từ thử và sai, hiểu biết từ kinh nghiệm, và hiểu biết từ khoa học. Hiểu biết từ TH VÀ SAI là hiểu biết do chưa biết mà cứ làm, qua sai lầm “để có được hiểu biết”. Hiểu biết nầy đã đưa bầy người nguyên thủy sống bằng hái lượm và săn bắt, lên thành xã hội loài người sống bằng trồng trọt và chăn nuôi.

Hiểu biết từ KINH NGHIỆM là hiểu biết do bắt chước người khác, hoặc do kinh nghiệm của chính bản thân mình “mà có hiểu biết”. Hiểu biết nầy đã đưa con người đến sự phân công lao động xã hội: nông nghiệp thì cung cấp lương thực thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp thì cung cấp hàng tiêu dùng, và thương nghiệp thì làm trung gian trao đổi.

Hiểu biết từ KHOA HỌC là hiểu biết do suy nghỉ, hoạt động sáng tạo của con người “để đạt tới hiểu biết”. Hiểu biết nầy đã đưa người ta đến việc ứng dụng khoa học vào sản xuất, vào quản lý xã hội, làm cho đời sống con người ngày càng tốt hơn cả lãnh vực vật chất lẫn lãnh vực tinh thần.

                                                                       ***

Trong quá trình ứng dụng hiểu biết vào tổ chức đời sống, chỉ riêng nước Mỹ, người ta cũng đã để lại nhiều cái mốc đáng nhớ. Năm 1492, Columbus, nhà thám hiểm Châu Âu khám phá ra Châu Mỹ. Năm 1607, người Anh định cư ở Bắc Mỹ thành lập thuộc địa đầu tiên: thuộc địa Jamestown. Năm 1775, do bất bình về thuế khóa và mậu dịch bất công từ mẫu quốc Anh, 13 thuộc địa người Anh định cư tại đây đứng lên làm bạo loạn. Và năm sau, năm 1776, họ thành lập Liên Bang Hoa Kỳ độc lập, tách khỏi Anh Quốc.

13 năm sau ngày độc lập, năm 1789, nước Mỹ ban hành Hiến Pháp, là Hiến pháp thành văn đầu tiên của loài người, dùng làm nền tảng để “tổ chức chính quyền”. 76 năm sau khi có Hiến Pháp, năm 1865, Tổng thống Lincoln xóa bỏ chế độ “người nô lệ người”. Năm 1875, Bell sáng chế ra điện thoại. Năm 1897, Edison sáng chế đèn điện. Năm 1903, nhà anh em WRIGHT sáng chế máy bay. Năm 1908, hãng Ford sản xuất xe vận tải. Năm 1927, Baird sáng chế ra máy truyền hình.

                                                                     ***

Cuộc cách mạng công nghệ đầu tiên của loài người là “máy hơi nước, khung dệt” ra đời năm 1791. Giai đoạn hưng thịnh của cuộc cách mạng từ năm 1791 đến năm 1814, và giai đoạn suy vong của nó từ năm 1815 đến 1847. Anh Quốc là quốc gia thống lĩnh cuộc cách mạng này. Cuộc cách mạng công nghệ thứ nhì là “hỏa xa, than đá, vật liệu xây dựng” ra đời từ năm 1848. Giai đoạn hưng thịnh của nó từ năm 1848 đến năm 1874 và giai đoạn suy vong từ năm 1875 đến năm 1895. Anh Quốc và vài nước Châu Âu thống lĩnh cuộc cách mạng này.

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba là “thép, điện tử, máy đốt năng lượng nội tại, cơ khí, hóa học, khoáng chất” bắt đầu từ năm 1896. Giai đoạn hưng thịnh từ năm 1896 đến năm 1919, và giai đoạn suy vong từ năm 1920 đến năm 1939. Hoa Kỳ và Đức Quốc là hai quốc gia thống lĩnh cuộc cách mạng công nghệ thứ ba này. Cuộc cách mạng công nghệ thứ tư là “dầu hỏa, động cơ nhỏ, điện tử, phi cơ, hóa học, các chất nhựa, vô tuyến truyền thanh, và vô tuyến truyền hình” ra đời năm 1940. Giai đoạn hưng thịnh từ năm 1940 đến năm 1967, và giai đoạn lỗi thời, thế hệ mới thay thế từ năm 1968. Quốc gia thống trị cuộc cách mạng này là Hoa Kỳ, Nhật Bản, và vài nước Tây Âu.

Cuộc cách mạng công nghệ thứ năm là “vi điện tử, điện toán, viễn thông, người máy, điện nguyên tử, sinh học, không gian” ra đời năm 1969. Cuộc cách mạng này đang tiếp diễn. Quốc gia thống lĩnh là Hoa Kỳ, Nhật Bản, và một số nước Tây Âu.

                                                                          ***

Điều đáng lưu ý trong các cuộc cách mạng này là từ năm 1848, khi khởi đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ hai, lúc mà Anh Quốc và vài nước Châu Âu là các nước thống trị, thì Hoa Kỳ là nước phụ thuộc. Nhưng đến năm 1896, khi cuộc cách mạng công nghệ thứ ba ra đời, Hoa Kỳ đã vươn lên và trở thành nước thống trị. Hoa Kỳ đã duy trì sự thống trị nầy trong suốt các cuộc cách mạng lần thứ ba, thứ tư, thứ năm, dẫn đầu thế giới trong nhiều lãnh vực, đúng như tên gọi là cường quốc số 1 của thế giới.

Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên trái đất bị hai quả bom nguyên tử tàn phá năm 1945, thua trận kiệt quệ, là quốc gia phụ thuộc trong thời kỳ tiến hành cách mạng công nghệ lần thứ tư thì, đến năm 1968 khởi đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ năm, Nhật Bản đã vươn tới đứng hàng thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ, thống lĩnh cuộc cách mạng lần này cho đến ngày nay. (Năm 2011, tuy Tổng sản lượng quốc gia Trung Quốc 8.700 tỷ USD, và Nhật Bản chỉ có 4.200 tỷ, nhưng dân số của Trung Quốc là 1.333 triệu người, trong khi Nhật Bản chỉ có 126 triệu cư dân. Vậy không thể gọi là nền kinh tế Trung quốc mạnh hơn kinh tế Nhật Bản được).

 

 

Tìm định hướng gì cho con người?


Hiểu con người là gì, biết được họ sống ra sao rồi, thì vấn đề tiếp theo là cần tìm định hướng nào cho nó. Đến giờ này tuổi thọ của loài người đang ở ngưởng cửa trên dưới 80. Vì vậy, chúng ta cũng nên định hướng 80 năm cho một đời người. Trong tám mươi năm ấy, mỗi người chúng ta có ba thời kỳ sống khác nhau: trên hai mươi năm đầu “còn non yếu thì sống phụ thuộc”, trên bốn mươi lăm năm tiếp theo thì “lớn mạnh sống độc lập”, và trên dưới hai mươi năm sau cùng thì “già yếu, lại sống phụ thuộc”. Cho nên, bên cạnh các định hướng xuyên suốt, còn phải đặc biệt quan tâm đến định hướng cho các thời kỳ.

                                                                              ***

ĐỊNH HƯỚNG XUYÊN SUỐT là định hướng cho cả một đời người. Đó là định hướng về thể lực, định hướng về tâm lực, định hướng về trí lực, và định hướng về nghị lực. Định hướng thể lực là định hướng cho sức mạnh của cơ thể, là rèn luyện và nâng cao thể chất để đủ sức đương đầu với mọi gian khó, cam go trong đời sống hiện thực. Sức khỏe luôn là tiền đề đầu tiên, tiền đề số một của đời sống, đúng như cha ông ta từng đánh giá “sức khỏe là vàng”.

Định hướng tâm lực là định hướng cho sức mạnh của lương tâm, là nâng cao tình cảm trong sáng, biết yêu khoa học, biết thích tiến bộ, và biết muốn tự do. Yêu khoa học là yêu giờ nào việc đó, là yêu thời biểu do chính mình đặt ra, và tuân thủ nó một cách vô điều kiện. Thích tiến bộ là thích điều mình nghĩ, việc mình làm ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua, và ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Muốn tự do là muốn trong hoàn cảnh hiện có, tự mình suy nghĩ và chủ động trong hành động, không bị chi phối bởi bất cứ điều kiện nào và từ đâu đến.

Định hướng trí lực là định hướng cho sức mạnh của trí tuệ, biết phân biệt một cách biện chứng điều phải điều trái, điều đúng điều sai, việc cần làm và điều nên tránh. Định hướng trí lực còn là định hướng cách giải quyết vấn đề. Giải quyết thế nào để đừng “tự dồn mình vào thế bí”, để sau khi giải quyết, có được sự “vui tươi và thoải mái” mỗi ngày.

Định hướng xuyên suốt sau cùng là định hướng về nghị lực. Định hướng nghị lực là định hướng cho sức mạnh của sự kiên trì. Xét đến cùng định hướng nghị lực là định hướng sức chịu. Bởi vì có chịu đựng được với mọi phong ba bão táp, có vượt qua được mọi thác ghềnh thì mới đưa “con thuyền đời mình” đến được bến vinh quang đã định. Định hướng nghị lực còn có nghĩa là định hướng về “sự siêng năng”, bởi lẽ mọi thành quả mà ta đạt được hầu hết đều do sự siêng năng chăm chỉ mà có.

                                                                             ***

ĐỊNH HƯỚNG THỜI KỲ. Nếu định hướng xuyên suốt là định hướng chủ đạo, định hướng tổng quát, thì định hướng thời kỳ là định hướng cụ thể, định hướng chi tiết, là định hướng của lúc thiếu thời, khi trưởng thành và cả lúc già yếu. Chúng tôi gọi nó với ba cái tên vui là thời kỳ chuẩn bị vào đời, thời kỳ thật sự vào đời, và thời kỳ chuẩn bị lìa đời.

Thời kỳ chuẩn bị vào đời là thời kỳ còn non yếu, sống phụ thuộc. Thời kỳ này kéo dài trên dưới hai mươi năm, từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi làm được việc, lấy vợ lấy chồng. Cha mẹ, gia đình, dòng tộc, tôn giáo, tập quán địa phương, văn hóa dân tộc, và cộng đồng xã hội có vai trò hết sức to lớn trong thời kỳ chuẩn bị vào đời này. Sự giàu có của gia đình, và quốc gia sẽ là một môi trường đặc biệt thuận lợi mang tính quyết định sau “nỗ lực của bản thân”.

Điều quan trọng ở thời kỳ chuẩn bị vào đời là cứ để cho trẻ “tự phát suy nghĩ, và hành động” như một con người trên đà trưởng thành có nhân cách. Cha mẹ phải theo dõi từng ngày, từng giờ tính tích cực và tiêu cực nơi trẻ, khuyến khích và cổ vũ kịp thời các mặt tích cực để tạo thành “thói quen tốt” cho trẻ. Ngăn chận và đẩy lùi tức khắc các hiện tượng tiêu cực vừa phát hiện, quyết không để hiện tượng tiêu cực trở thành “thói quen xấu” nơi trẻ.

Chuẩn bị vào đời cho con là một việc làm hết sức công phu, giống như người “chơi cây cá kiểng”, khi nào thì bón phân, tưới nước, lúc nào thì bắt sâu, uốn cành. Phải làm nó một cách thường xuyên, liên tục chứ không phải làm định kỳ theo kiểu người làm vườn. Có một điều tế nhị nếu không muốn nói là “cấm kỵ” là đừng bao giờ tranh công với con cái mình. Nghĩa là phải hiểu cho được rằng, tính tích cực nơi trẻ là do chính bản thân chúng nghĩ ra, làm nên, chứ không phải do ta áp đặt mà có.

Cần gieo cho trẻ một nhận thức giản đơn là muốn sống phải “làm việc để kiếm sống”, muốn sống tốt hơn “phải làm việc tốt hơn”. Rằng, con người có được hạnh phúc hay gặp bất hạnh, có thành công hay bị thất bại đều có nguyên nhân từ thời kỳ chuẩn bị vào đời này: ta làm tốt nó, làm đầy đủ thì thuận lợi trong cuộc sống như là điều tất yếu, ngược lại khó khăn đến, hầu như là điều khó tránh.

Thời kỳ thực sự vào đời là thời kỳ trưởng thành, lớn mạnh. Thời kỳ này kéo dài trên bốn mươi năm. Đây là thời kỳ mỗi người tự tổ chức đời sống cho chính mình: “công ăn việc làm, lấy vợ lấy chồng, sinh đẻ con cái, tạo dựng sự nghiệp”. Phải hiểu cho được rằng người vợ người chồng của ta có vai trò hết sức quan trọng. Họ là “người bạn đời, người bạn chung chăn gối, là người cùng mình tạo dựng nghiệp, tạo ra các thế hệ kế tục nối dõi tông đường, kế thừa dòng giống”.

Chính họ, người vợ, người chồng mới là người “mang lại hạnh phúc, hay tạo ra nỗi bất hạnh” cho ta. Việc chọn vợ, chọn chồng, bước đầu của thời kỳ thực sự vào đời là “thử thách đầu tiên” về sức mạnh của tình cảm và trí tuệ, là sự thống nhất giữa lý trí và tình cảm. Cố gắng chọn người “tâm đầu ý hợp, có sức khỏe, siêng năng, có khả năng làm việc và làm được nhiều việc khác nhau, có khả năng sinh và nuôi dạy con cái, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm, và chia xẻ ngọt bùi với mình trong suốt cả cuộc đời”. 

Nên nhớ rằng, trên dưới tám mươi năm của một đời người, người ta chỉ sống với cha mẹ, anh chị em mình có hai mươi năm đầu, trên dưới sáu mươi năm còn lại là sống với vợ với chồng. Và, hạnh phúc của con người xét đến cùng là “hạnh phúc gia đình, hạnh phúc trong tình chồng vợ, hạnh phúc trong tình thương yêu con cái, hạnh phúc nơi lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên”. Hạnh phúc còn có thể có được do nơi niềm tin tôn giáo, niềm vui ở dòng tộc, và cả nơi truyền thống văn hóa của dân tộc mình nữa.

Yêu cầu hàng đầu của thời kỳ thật sự vào đời là yêu cầu làm việc tích cực: làm việc là “cách duy nhất” tạo ra phương tiện để có hạnh phúc.

Một thời kỳ khác, thời kỳ không vui, đó là thời kỳ chuẩn bị lìa đời. Thời kỳ này kéo dài trên dưới hai mươi năm. Đây là thời kỳ không còn sức làm việc, thời kỳ già yếu. Thời kỳ mà nếu là người giàu có thì vui thú điền viên, đi đây đi đó, ngắm cảnh nhìn người trước khi nhắm mắt lìa đời sang bên kia thế giới. Còn nếu là người nghèo khó thì trở lại nương tựa vào con cái, sống “lây lất” chờ ngày nhắm mắt rời khỏi cõi trần.

                                                                           ***

Ở Việt Nam ta, cha mẹ nào cũng thương yêu con cái, lo sao cho con mình lớn lên nên người mới an lòng khi bóng xế về chiều. Nhưng truyền thống gia đình, và văn hóa Việt Nam thì khi cha mẹ già yếu, thường được con trai mình chăm sóc như một bổn phận của lòng hiếu thảo. Còn con gái mình, khi đã đi lấy chồng thì phải có trách nhiệm nuôi nấng cha mẹ chồng, như con gái nhà người ta về nuôi nấng mình vậy. Đây là một sự phân công của tập tục văn hóa, chứ không hề có sự bất công, phân biệt đối xử “trọng nam khinh nữ” gì ở đây cả. 

Tất nhiên, điều này sẽ không còn phù hợp lắm với “tập tục văn hóa công nghiệp” đang hình thành. Phải tùy cơ ứng biến, ta phải “điều chỉnh mình” để thích nghi môi trường, chứ không thể bắt môi trường thích nghi với ta được. Mọi sự chê bai, than vãng đều không mang lại lợi ích gì. Mặt khác, văn hóa công nghiệp, là một định hướng phát triển tích cực. Bằng cách nầy hay cách khác, nó đang cho ta một môi trường, và điều kiền sống thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Văn hóa công nghiệp là văn hóa tri thức, là văn hóa của ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay.

 

 

Mục đích ý nghĩa của một đời người là gì ?


Hiểu con người là gì, biết được họ sống ra sao, và tìm định hướng cho nó rồi, vấn đề đặt ra sau cùng vậy thì, mục đích ý nghĩa cuộc sống của con người là gì, nên như thế nào?  Như trên đã nói, con người là một sản phẩm của tự nhiên, nhờ hiểu biết và ứng dụng sự hiểu biết vào tổ chức đời sống mà loài người có được một đời sống vật chất và đời sống tinh thần vượt trội đời sống muôn loài trên trái đất.

Thật vậy, nhờ hiểu biết ban đầu chúng tôi gọi là hiểu biết từ “Thử và Sai” mà nó đưa bầy người nguyên thủy sống bằng hái lượm săn bắt lên thành xã hội loài người sống bằng trồng trọt và chăn nuôi. Rồi nhờ hiểu biết từ “Kinh nghiệm” mà nó đưa người ta đến sự phân công lao động xã hội: nông nghiệp thì cung cấp lương thực thực phẩm, thủ công nghiệp thì cung cấp hàng tiêu dùng, thương nghiệp thì làm trung gian trao đổi. Và hiện nay, nhờ hiểu biết từ “Khoa học” mà người ta ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, vào tổ chức quản lý xã hội làm cho đời sống con người ngày càng được nâng lên mãi, cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần.

Có thể nói rằng đến giờ này thì cơm ta ăn, áo ta mặc, nhà ta ở, chữ ta học, đồ vật ta dùng được thuận lợi, tốt đẹp như thế này là của cho của người khác: của cho của các thế hệ tiền nhân đã lao động sáng tạo ra để ta có mà hưởng. Nhận của cho và biết cho lại luôn luôn và mãi mãi là cơ sở, là tiêu chuẩn, là thước đo của đạo đức cả trong nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, cả trong nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng, cả trong hiện tại cho đến muôn thuở.

Ta đang nhận của cho từ các thế hệ trước, đến lượt mình, ta cũng phải làm cái gì để lại cho các thế hệ sau có mà hưởng. Tất nhiên, các thế hệ sau ta đến lượt họ, họ cũng làm như thế. Đó là quy luật phát triển tự nhiên của xã hội loài người, không theo ý đồ chủ quan, hay sự áp đặt từ một cá nhân, phe nhóm, quốc gia nào cả.

Vậy nên, theo chúng tôi, mục đích cuộc sống của mỗi người nên cùng với người xung quanh đưa cuộc sống lên phía trước. Còn ý nghĩa của cuộc sống thì cố tạo cho được sự vui tươi thoải mái mỗi ngày. Nhưng ý nghĩa của cuộc đời thì nên có sự nghiệp để lại. Chỉ một gương sáng về sự siêng năng thôi cũng đã là sự nghiệp để lại, huống là những phát kiến, sáng tạo ra cái mới đưa lại điều tốt lành hơn cho từng con người, và cả nhân loại.
                                                                                  



Huế ngày 12 tháng 5 năm 2012








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét