Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

XUÂN Ỗ - CỘI NGUỒN HỌ LÊ TRIỀU THỦY

 XUÂN Ỗ - CỘI NGUỒN HỌ LÊ TRIỀU THỦY   
(Tham Luận tại Đại Hội Họ Lê Thừa Thiên-Huế lần thứ III)
Lê Xuân Đỗ
I.
Nước có Sử, Nhà có Phổ. Sử ghi chép Lịch sử của một nước. Phổ ghi chép lai lịch của một Nhà, một Dòng tộc. Nếu Họ không có Gia Phổ thì con cháu ngày một xa cách, thân thuộc ngày một phai mờ, không biết căn cứ vào đâu mà tìm về nguồn gốc. Cho nên, Gia Phổ không những phải cần có, mà còn phải ghi chép rõ ràng, và liên tục thì con cháu đời sau mới hiểu rõ được ngọn nguồn, thân thế, cùng với các mối liên hệ trong thân thuộc của mình. 
Theo sách “Lễ hội và Danh nhân Lịch sử” của Hà Hùng Tiến, do NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội, năm 1997 thì, Thục Phán An Dương Vương là người thuộc dòng Họ LÊ ở Mỹ Đức, đến nay đã trên 2.230 năm, trải qua nhiều đời, trong đó cả nhà Tiền Lê và nhà Hậu Lê… Và, sách “Thế thứ các Triều Vua Việt Nam” của Nguyễn Khắc Thuần, do NXB Giáo dục năm 2003 thì Thục Phán An Dương Vương, là người có nguồn gốc bản địa, nhưng bản quán của Thục Phán An Dương Vương hiện nay vẫn chưa được xác định, không rõ năm sinh, mất năm 179 Trước Công Nguyên.
Còn về nguồn gốc của dòng tộc LÊ ĐỘT, theo Lê Túc, là cư dân bản địa thuộc dòng Việt Cổ. Cụ thân sinh LÊ ĐỘT định cư ở Phong Mỹ, Thanh Hóa vào thế kỷ thứ 9: (1) LÊ ĐỘT, sinh ra Lê Lộ. (2) LÊ LỘ sinh ra Lê Thái Vương, và Lê Luyến. (3) LÊ THÁI VƯƠNG sinh ra Lê Hoàn (nhà Tiền Lê). LÊ LUYẾN sinh ra Lê Đại Lượng, Lê Đức, và Lê Nhân Lương (phát triển thành nhà Hậu Lê).
LÊ HOÀN (Nhà Tiền Lê, tồn tại 29 năm từ 980-1009), có 11 Hoàng tử và 1 con nuôi. Do tranh giành quyền lực, nhiều vị phải chạy trốn, phải thay tên đổi họ, nên nhiều vị bị thất tuyền. Và, LÊ LỢI (Nhà Hậu Lê, tồn tại 360 năm từ 1428-1788). Từ 3 Chi ở Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa), phát triển liên tục được 30 đời, sống rãi rác từ miền Bắc tới tỉnh Quảng Nam.
Hiện chưa có Gia Phổ nào viết về “sự nối tiếp” của dòng tộc HỌ LÊ một cách có hệ thống.
II.
Gia Phổ Họ LÊ TRIỀU THỦY năm 2013, viết: Họ LÊ ta các đời xa xôi trở về trước không ai biết rõ, chỉ biết cách đây khoảng trên dưới 450 năm, ngài Thủy tổ của chúng ta là LÊ QUÝ CÔNG, người gốc Thanh Hóa, đi theo Chúa Nguyễn vào “khai cơ thác thổ” tại thôn Xuân Ỗ, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Gia Phổ tại đây ghi chép liên tục bắt đầu từ ngài LÊ QUÝ CÔNG Đời thứ nhất. Đến Đời thứ năm, không hiểu vì lý do gì, người con trai thứ ba của ngài Lê Ta (Đời thứ tư), là Lê Bá Hiển lập Họ LÊ VĂN, tách khỏi Họ LÊ ĐÌNH.
Về sau, ngài LÊ VĂN CHỢ, thành viên thứ 60/61 Đời thứ 14 của Họ LÊ VĂN, rời làng Xuân Ỗ đến lập nghiệp tại làng Triều Thủy, xã Phú An. Đến nay (2013) đã được 7 đời: Đời thứ 14 có 1 vị, Đời thứ 15 có 3 vị, Đời thứ 16 có 6 vị, Đời thứ 17 có 19 vị, Đời thứ 18 có 39 vị, Đời thứ 19 có 117 vị, và  Đời thứ 20 có 153 vị. Trong số 153 vị của đời nầy, đã có trên dưới 120 vị đã rời khỏi làng đi lập nghiệp phương xa, cả trong nước lẫn ngoài nước. Dù vậy, Gia Phổ Họ LÊ tại đây, được ghi biên đầy đủ, không bỏ sót một vị nào!
Từ Họ LÊ TRIỀU THỦY nhìn về cội nguồn Họ LÊ XUÂN Ỗ, thì thấy ngài LÊ QUÝ CÔNG (Đời thứ 1) có 2 con trai là Lê Điều, Lê Đào; và 2 cháu nội (trai) là Lê Bang, Lê Công Phủ (Đời thứ 3). Ngài LÊ ĐIỀU là một trong ba vị khai canh của làng Xuân Ỗ, nhưng lại không có con trai nối dõi; Còn ngài LÊ ĐÀO có 2 con trai là Lê Bang, Lê Công Phủ; và 3 cháu nội (trai) là Lê Ta, Lê Nhân Trí, Lê Công Trụ (Đời thứ 4). Ngài LÊ BANG có 2 con trai là Lê Ta, Lê Nhân Trí, và 8 cháu nội (trai) là Lê Công Định, Lê Công Trị, Lê Bá Hiển, Lê Công Nghị, Lê Bá Nhẫm, Lê Xấu, Lê Hưởng, Lê Nhân Huệ; Còn ngài LÊ CÔNG PHỦ có 1 con trai là Lê Công Trụ, và 2 cháu nội (trai) là Lê Công Hòa, Lê Công Canh  (Đời thứ 5).
Sang Đời thứ 6, chúng tôi “hết sức băn khoăn” khi phát hiện ra rằng hai trên ba người cháu nội (trai) của ngài LÊ ĐÀO (Đời thứ 2) là Lê Nhân Trí, Lê Công Trụ (Đời thứ 4) các con, cháu của hai ngài nầy “từ đây không còn thông tin”, nghĩa là không được ghi biên vào Gia Phổ Họ. Cả Họ LÊ ĐÌNH lẫn Họ LÊ VĂN chỉ ghi biên các thế hệ kế tục con cháu của ngài Lê Ta (cùng Đời thứ 4) mà thôi. Và, cũng từ đây trở đi, mỗi Đời đều có rất nhiều vị “từ đây không còn thông tin”. Chẵng hạn:
Đời thứ 9, có 47 vị, nhưng có tới 42/47 vị “từ đây không còn thông tin”. 5 vị được ghi biên vào GIA PHỔ HỌ, thì có 4 vị con của ngài LÊ ĐÌNH ƯU (Họ LÊ ĐÌNH), và 1 vị con ngài LÊ PHƯỚC LIỆU (Họ LÊ VĂN). Sang Đời thứ 10, có 18 vị, nhưng có tới 13/18 vị “từ đây không còn thông tin”. 5 vị được ghi biên vào GIA PHỔ HỌ, thì có 3 vị con của ngài LÊ ĐÌNH TRỌNG (Họ LÊ ĐÌNH), và 2 vị con ngài LÊ PHƯỚC SINH (Họ LÊ VĂN).
III.
Tuy mang danh Gia Phổ Họ, nhưng nội dung ghi chép thì quá ít oi “đến độ đau lòng”. Chúng ta đừng trách tại sao “con cháu chúng ta ngày một xa cách, thân thuộc ngày một phai mờ” bởi do sự ghi chép quá ít oi của chúng ta, nên các thế hệ kế tục không biết “căn cứ vào đâu mà tìm về nguồn gốc”.
Phghi lại “lai lịch của một Nhà, một Dòng tộc. Gia Phổ phải được ghi chép rõ ràng và liên tục thì con cháu về sau mới hiểu rõ được “ngọn nguồn, thân thế, cùng với các mối liên hệ trong thân thuộc của mình”.
Từ ý nghĩa đó tôi viết tham luận nầy, gợi lên trong quý vị một sự suy nghĩ nghiêm túc, cần quan tâm thêm nữa trong việc ghi biên Gia Phổ, đừng để rơi vào tình trạng thất tuyền như đã từng xẩy ra trong quá khứ. Tôi ước mong sẽ đóng góp được “một chút gì” trong khả năng có thể, liên quan đến việc “ghi biên Gia Phổ”, nếu được quý vị yêu cầu.
Sau cùng, cho phép tôi “được nói lời biết ơn”, về sự “chú ý” mà quý vị đã dành cho chúng tôi, trong suốt bài phát biểu khá thô thiển nầy.
Trân trọng kính chào, và chúc quý vị một NGÀY ĐẠI HỘI vui vẽ, hạnh phúc, và một năm mới Quý Tỵ an lành, thành đạt.  

Xuân Ỗ ngày 8 tháng 3 năm Quý Tỵ (2013).

1 nhận xét:

  1. Kính gửi hội đồng họ LÊ.
    Kính thưa các Cụ, kính thưa các Ông, Bà.
    Tôi là Lê văn Phú nguyên Việt kiều Thái lan hiện đang cư trú tại số nhà 97b Trần Phú T.P Thanh hóa.
    Gia phụ tôi là Lê văn Đàn, gia mẫu tên là Lê thị Tường (Tương) nguyên quán tại huyện Hương Trà tỉnh Thừa thiên-Huế.Tôi được biết gia phụ tôi vì chiến tranh ly tán đã cùng gia đình lưu lạc khỏi quê hương sang Savannakhet-Lào từ năm 1940.Tôi được sinh ra tại TP Savan .Khoảng 1946 cũng vì chiến tranh nên gia đình chúng tôi phải vượt sông Mê -kông sang Mucdahan -Thái lan sinh sống. Năm 1960 theo lời kêu gọi của Bác Hồ ,để lại mẹ và chị gái ở Thái lan, tôi và gia phụ đã trở về Tổ quốc . Ngay khi đó ,chẳng may gia phụ tôi lâm bệnh nặng và qua đời khi tôi còn nhỏ dại.Chính bởi vậy tôi gần như không biết gì nhiều về nguồn gốc gia đình và họ tộc quê hương mình. Tôi chỉ còn nhớ gia phụ tôi người làng Đan mông huyện Hương trà (Có người lại nói ở Hương thủy) tỉnh Thừa thiên-Huế.
    Năm tháng trôi qua, chiến tranh liên miên vật đổi sao dời , tên làng tên huyện đã có nhiều thay đổi .Tôi đã có lần về Thừ thiên –Huế hỏi thăm tìm về gia tộc nhưng không có kết quả.
    Tôi vẫn ghi tạc lời người xưa dạy:"Cây có gốc , nước có nguồn ".Nay tuổi đã cao mà lòng mong muốn được tìm thấy gia tộc và quê hương ngày càng cháy bỏng. Tôi mạnh dạn gửi thư này tới các Cụ, các Ông , Bà trong hội đồng gia tộc họ Lê với niềm hy vọng , mong mỏi chân thành sẽ được các quý vị nhiệt tâm giúp đỡ , tra cứu , tìm hiểu giúp để tôi có được thông tin- dù là mong manh nhất- để tôi có thể làm cơ sở lần tìm về với nguồn cội.
    Tôi xin được cám ơn trước và ngày đêm mong mỏi hồi đáp của các Cụ , các Ông, Bà.
    Kính thư
    LÊ VĂN PHÚ
    ĐT: 0373 759 604
    Add :Lebinhlb@gmail.com

    Trả lờiXóa