Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI THẾ GIỚI TRONG THẾ KỶ XX.








                                                                       
CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
THẾ GIỚI TRONG THẾ KỶ XX.
                                                                       

I

Thế giới với những thay đổi. Chủ nghĩa đế quốc và công nghiệp hoá đạt tới đỉnh cao trong thời hiện đại, người ta thường gọi nó là kỷ nguyên tuyệt vời của Châu Âu. Hầu hết các nước Âu Châu trở nên giàu có, và có quân đội mạnh. Họ cai trị nhiều vùng rộng lớn của thế giới, thông qua hệ thống thuộc địa đặc dụng. Khoa học, kỷ thuật, nghệ thuật, và kiến thức đạt tới trình độ phát triển cao. Đời sống Châu Âu trong những năm 1800, được xếp vào loại văn minh nhất thế giới. Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, và các nước Tây Bán cầu khác, phát triển theo hướng văn minh Châu Âu. Trái lại, hầu hết các quốc gia Châu Á, và Châu Phi còn chưa được khai hóa, hoặc chỉ đạt tới văn minh thời Trung Cổ. Cuối những năm 1800 địa vị thống trị của một số nước Châu Âu gặp một ít thách thức, báo  hiệu những bất ổn trong những năm 1900.

Thế giới thay đổi nhanh hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó. Khoa học đạt tới những thành quả lớn lao. Đầu những năm 1900, hai anh em Wrights sáng tạo ra chiếc máy bay thô sơ đầu tiên. Đến nữa sau của thế kỷ nầy, loài người đã có máy bay cao tốc, năng lượng hạt nhân, công nghệ tự động hóa, vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình, điện ảnh màu, công nghệ lạnh, vật liệu nhân tạo tổng hợp, các xa lộ cao tốc chất đầy các loại xe tự động. Tất cả chưa hề có trong những năm 1800. Thời đại không gian ra đời, năm 1957 Liên xô đưa vệ tinh nhân tạo bay vòng quanh “trái đất”. Những năm tiếp theo Hoa Kỳ và Liên Xô phóng hỏa tiễn đưa các trang thiết bị kỹ thuật vào không gian.

Và, không bao lâu sau đó, phi hành gia của hai quốc gia nầy bay vòng quanh trái đất, trên các con tàu vũ trụ. Năm 1969 phi hành gia Hoa Kỳ Neil Armstrong bằng phi thuyền Apollo 11, đặt chân lên mặt trăng, sau đó là Edwin Aldrin, và Michael Collins. Trên lãnh vực y học cũng có những tiến bộ vượt bực, phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật truyền thống được thay thế bằng phương pháp mới với các loại tân dược gồm kháng sinh (antibiotics và sulfanamides) huyết thanh (serums), và chích ngừa (vacines) làm cho sức khỏe người ta tốt hơn, kéo dài thêm tuổi thọ, dân số tăng nhanh. Năm 1900, tuổi thọ người dân Mỹ 47,3 (trung bình) đến thập niên 1970 tăng lên 70,6.

 Dân số thế giới năm 1900 có 1.500 triệu người; năm 1950 tăng lên 2.500 triệu người, đến năm 2000 tăng thành 6.150 triệu, và năm 2007 dân số thế giới trên dưới 6.500 triệu. Các thuộc địa rộng lớn của đế quốc Châu Âu đầu thế kỷ đến nửa sau của những năm 1900 không còn tồn tại, và các quốc gia mới ở Châu Á, và Châu Phi xuất hiện. Các thế lực Châu Âu không còn khuynh đảo những vấn đề của thế giới. Trong khi đó Hoa Kỳ, và Liên Xô nổi lên như hai siêu cường của thế giới. Tuy nhiên, do khó khăn nghiêm trọng về kinh, tế làm cho siêu cường quốc Liên Xô suy giảm, và tan ra cuối năm 1991. Mười lăm cộng hòa Liên Xô trở thành 15 quốc gia độc lập.

Hai nước cộng sản Đông Âu là Nam Tư, và Tiệp Khắc cũng phân hóa thành 8 quốc gia riêng lẽ trong thập niên 1990, và đầu thập niên của những năm 2000. Những khác biệt về tập quán và niềm tin từng phân hóa thế giới trong quá khứ được cải thiện. Ngày nay, trên khắp thế giới, người ta không ngừng chia xẻ với nhau về các vấn đề mới nảy sinh, và các kinh nghiệm giải quyết cho nhau. Nhiều lực đẩy kinh tế, chính trị giống nhau đang cùng hoạt động khắp toàn cầu. Ngay cả sự kiện trong một quốc gia hiện nay có thể ảnh hưởng đến quốc gia khác trên những lục địa khác nhau. Sự phát triển của một nền văn hóa mới, tiến bộ bắt đầu từ Châu Âu truyền bá sang châu khác: Mỹ, Úc, Á, Phi trong những năm 1700 và 1800, đang tiếp tục như một khuynh hướng chung của thế giới những năm đầu của thế kỷ 21.
                                                                     
II

Chiến tranh thế giới lần thứ I và Hội Quốc Liên. Ngày 28 tháng 6 năm 1914, người ta tụ tập tại thành phố Sarajevo tỉnh Bosnia nước Áo, để chào mừng thái tử Francis Ferdinand người sẽ thừa kế ngôi vua Hung - Áo, và vợ ông ta bà Sophia. Một sinh viên Bosnia đang sống ở Serbia, tên Gavrilo Princip nhảy vào đoàn xe hoàng gia đang di chuyển, nổ súng giết Ferdinand và vợ bà Sophia. Liên minh Hung - Áo nghi ngờ  Serbia ủng hộ âm mưu sát hại Ferdinand, nên ngày 28.7.1914 tuyên chiến với Serbia. Thế là chiến tranh thế giới lần thứ I bùng nổ. Đến ngày 30.10.1914 các bên lâm chiến có: Phe Quyền lực gồm Liên minh Hung - Áo, Đức, Bulgaria và đế quốc Ottman, và Phe Đồng minh có Anh, Pháp, Belgium, Serbia, Nga và một số quốc gia khác gia nhập sau đó kể cả Hoa Kỳ.

Tháng 10.1917 một cuộc bạo loạn chính trị thành công, lập ra chế độ cộng sản đầu tiên ở Nga. Sau đó Nga rút lui khỏi cuộc chiến. Năm 1918, phe Đồng minh thắng trận, ký hiệp ước Versailles chấm dứt chiến tranh với Đức năm 1919, và các hiệp ước riêng với từng nước trong phe trung tâm quyền lực. Cái giá phải trả cho cuộc chiến hết sức khủng khiếp. Nhiều triệu sinh mạng đàn ông, đàn bà, trẻ em bị giết. Các thành phố bị phá hủy, nền kinh tế trên các quốc gia lâm chiến bị ngưng trệ. Chiến tranh cũng đưa đến nhiều sự thay đổi bản đồ chính trị Châu Âu: Áo, Tiệp Khắc, Hungary ra đời trên phần đất của liên minh Hung - Áo. Ba lan tái lập trên phần đất của Áo, Đức và Nga.

Serbia đổi tên thành Nam Tư, và được thêm vào các phần đất rộng lớn từ Hung-Áo. Bulgary, Montenegro, và Romania tăng gấp đôi lãnh thổ. Hy Lạp, Ý Đại Lợi mỗi quốc gia được nối thêm một vùng đất mới. Đế quốc Ottman mất Amernia, Palestine, Mesopotamia, Syria và Bắc Phi. Estonia, Latvia, Lithuania và Phần Lan tuyên bố độc lập, tách khỏi nước Nga. Năm 1914 Châu Âu chỉ có 5 quốc gia theo chế độ cộng hòa, sau chiến tranh tăng thành 16 nước. Đế quốc Hung - Áo, Đức và Ottman bị xoá sổ, và lập ra chính quyền cộng hòa Hungary, Austria, Germany, Turkey.

Hiệp ước Verselles năm 1919 đồng ý thành lập Hội Quốc Liên (League of Nations), và trao cho tổ chức nầy trách nhiệm duy trì hòa bình thế giới. Nó cũng lập ra một hệ thống ủy trị, và nhiều phần đất trước đây là thuộc địa của Đức, của đế quốc Ottman trở thành các vùng ủy trị của Hội Quốc Liên, được trao cho các nước đồng minh quản lý. Hiệp ước Versailles buộc Đức phải giải giới, cắt đất cho Ba Lan, trao thuộc địa cho Hội Quốc Liên, và bồi thường chiến phí cho các nước đồng minh thắng trận, khiến nhiều người Đức cảm nhận như bị đối xử quá bất công. Do vậy, họ ủng hộ đảng chính trị NAZI do Adolf  Hitler lãnh đạo, bởi ông nầy hứa sẽ xây dựng một nước Đức hùng mạnh ngẩng cao đầu. Năm 1933, Hitler trở thành nhà cai trị của Đức Quốc Xã.

Bốn mục tiêu của Hội Quốc Liên là (1) duy trì hòa bình thế giới, (2) khuyến khích các nước thành viên giảm bớt lực lượng vũ trang, (3) cải thiện điều kiện sống của người dân trên toàn thế giới, (4) bảo đảm nền độc và đường biên giới của các quốc gia, ngăn chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài. Năm 1920, Hội có 42 nước gia nhập, đến năm 1934 tăng thành 57 quốc gia thành viên. Tổng thống Hoa Kỳ Wilson sáng lập viên, và là người phát thảo hiến chương Hội Quốc Liên, nhưng khi hiệp ước đưa ra Quốc hội Mỹ phê chuẩn, thì bị Thượng Viện bác bỏ, và nước Mỹ không trở thành thành viên của Hội.

Đức gia nhập Hội Quốc Liên năm 1926, và rút lui năm 1933, bởi vì Hội không thay đổi giới hạn lực lượng vũ trang trên nước Đức. Cũng năm đó, Nhật bản bỏ Hội, vì Hội không thừa nhận việc Nhật Bản xâm lăng Mãn Châu năm 1931. Ý Đại Lợi rút lui khỏi Hội năm 1937, bởi vì Hội Quốc Liên áp đặt lệnh cấm vận kinh tế lên nước này, khi họ xâm lăng Ethiopia năm 1936. Liên bang Xô viết gia nhập Hội năm 1934, và bị trục xuất khỏi Hội năm 1939 bởi vì Liên Xô xâm lăng Phần Lan (Finland). Thế là, Hội Quốc Liên không còn những quốc gia hùng mạnh có đủ lực lượng can thiệp các cuộc xâm lăng, duy trì hòa bình thế giới. Và do đó chiến tranh thế giới lần thứ II lại nổ ra.

III.

Chiến tranh thế giới II và Liên Hiệp Quốc. Sau một loạt các cuộc tấn công chớp nhoáng thử nghiệm thành công, ngày 1.9.1939 Đức xâm lăng Ba Lan. Hai ngày sau, ngày 3.9.1939, Anh, và Pháp tuyên chiến với Đức. Trong vòng 3 tháng từ tháng 4 năm 1940, cơ giới Đức đã đè bẹp 6 nước Đan Mạch, Na Uy, Lục Xâm Bảo, Belgium, Hà Lan, và Pháp. Nhưng nhà độc tài nước Đức (Adolf Hitler) bị thất bại trong việc đánh gục nước Anh bằng bom đạn, và tàu ngầm bao vây. Năm 1941, quân Đức chiếm Yugostavia, và Hy Lạp, nơi Ý Đại Lợi đang đánh nhau từ khi tuyên chiến với Pháp. Và sau đó Đức, Ý dàn quân tiến vào Liên Xô, trong khi máy bay, và quân Nhật đang mở rộng vùng kiểm soát vùng Viễn Đông.

Ngày 7.11.1941 Nhật tấn vào Trân Châu Cảng, đẩy Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến bên cạnh Đồng minh. Sau một loạt các trận đánh gay go, quân Đồng minh củng cố được tuyến phòng thủ. Họ đánh bại mũi tiến công của Phe Trục (Axis) tại El Alarnein ở Bắc Phi, đẩy quân Phe Trục ra khỏi đảo Midway ở Thái Bình Dương, và khỏi cảng Stalingrad ở Liên Xô. Đồng minh đổ quân chiếm đóng các quần đảo Thái Bình Dương đến sát cạnh lãnh thổ Nhật Bản. Tại Châu Âu quân Đồng minh đổ bộ lên Italy, và Pháp, đánh thẳng vào Đức Quốc Xã. Ngày 3.9.1943 Ý Đại Lợi đầu hàng, ngày 7.5.1945 Đức buông súng, và ngày 2.9.1945 Nhật đầu hàng đồng minh, sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trên đất Nhật.

Cái giá chiến tranh thế giới II phải trả của cả hai phe cao hơn nhiều so với chiến tranh thế giới I. Hơn 10 triệu quân Đồng minh và 6 triệu quân Phe Trục tử thương không kể số người bị thương, và số thương vong trong dân chúng. Chiến phí hơn 1.150 tỉ USD. Quân đội phải chiến đấu trên nhiều phần đất của thế giới. Các trận đánh diễn ra ở Châu Á, Châu Âu, Bắc Phi, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, và biển Địa Trung Hải. Có 58 quốc gia tham chiến gồm 9 nước Phe Trục là Albania, Bulgaria, Finland, Germany, Hungary, Italy, Japan, Romania, và Thái Lan.

Và 49 nước Đồng minh gồm Á Căn Đình, Úc, Bỉ, Bolivia, Brazil, Gia Nã Đại, Chile, Trung quốc, Colombia, Costa Rica, Cuba, Tiệp Khắc,  Doncinican Republic, Ecuador, Ai Cập, Ed Salvador, Ethiopia, Pháp, Anh, Hy Lạp, Guatemala, Haiti, Honduras, Ấn Độ, Iran, Iraq, Lebanon, Liberia, Lục Xâm Bảo, Mexico, Cộng hòa Nhân dân Mông cổ, Hà Lan, Tân Tây Lan, Nicaragoa, Na Uy, Panama, Paraguay, Peru, Ba Lan, Nga, San Marino, Ả Rập Xe Út, Nam Phi, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Uruguay, Venezuela và Nam Tư.

Về ảnh hưởng chính trị sau chiến tranh, thì Châu Âu nằm trong sự đổ nát. Đức quốc từng là quốc gia mạnh nhất Châu Âu, bị chiếm đóng bởi quân Đồng minh Anh, Pháp, Mỹ và Liên bang Xô viết. Các quốc gia hùng mạnh một thời ở Châu Âu trở thành quá yếu, không đủ sức cai trị các thuộc địa bên ngoài. Hoa Kỳ và Liên Xô nổi lên từ chiến tranh, như hai thế lực lãnh đạo thế giới.

IV

Chủ nghĩa Cộng sản và chiến tranh lạnh. Sự vận động của chủ nghĩa cộng sản từ năm 1900, đạt  thắng lợi đầu tiên ở Nga năm 1917, phát triển thành Liên bang Xô viết năm 1922, lớn mạnh trong chiến tranh thế giới lần II, và trở thành một trong hai siêu cường của thế giới từ cuối thập niên 1940, đến cuối thập niên 1980. Sau thế chiến II, chính quyền kiểu Xô viết Cộng sản được thành lập trên hầu hết các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Liên bang Nam Tư, Romania, Bulgaria, Albania và Đông Đức. Trước đó ba nước Estonia, Latvia và Lithuania đã bị sáp nhập vào Liên Xô năm 1940. Bắc Hàn thành lập chính quyền cộng sản năm 1947, Trung Quốc năm 1949, Việt Nam năm 1954, và Cu Ba năm 1959.

Lo sợ trước sự bành trướng của Cộng sản, Hoa Kỳ và đồng minh bắt đầu đề ra các sự trợ giúp kinh tế, và quân sự cho các quốc gia không cộng sản. Sự kình địch giữa hai thế giới cộng sản và không cộng sản do Liên Xô và Hoa Kỳ lãnh đạo, trở thành cái mà người ta thường gọi là “chiến tranh lạnh". Từ cuối thập niên 1940 đến cuối thập niên 1980 chiến tranh lạnh đôi khi cũng "xì hơi" thành chiến tranh nóng ở nơi này, hoặc nơi khác. Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, và chiến tranh Việt nam 1957-1975 chẳng hạn. Chiến tranh lạnh cũng xuất hiện nhiều lần tại thành phố bị chia cắt Berlin ở Đức. Năm 1961, cộng sản xây bức tường ngăn cách giữa phía đông và phía tây thành phố, ngăn chặn những người ở đông Berlin cộng sản trốn thoát sang tây Berlin không cộng sản.

Đỉnh cao của chiến tranh lạnh là vụ khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở Cuba năm 1962. Cộng sản nắm quyền ở Cuba năm 1959, tháng 10 năm 1962, Hoa Kỳ phát hiện Liên Xô đã từng bước đặt các tên lửa có đầu đạn hạt nhân ở Cuba, nơi từ đó có thể phóng đầu đạn hạt nhân tấn công Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng vượt qua, sau khi Liên Xô và Tổng thống Mỹ Kenedy đạt được thoả thuận. Theo đó, Liên Xô sẽ triệt thoái các tên lửa hạt nhân của họ ra khỏi Cuba. Và đổi lại Hoa Kỳ cũng phải triệt thoái các tên lửa có đầu đạn hạt nhân khỏi Thỗ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Kenedy còn phải cam kết là Hoa Kỳ sẽ không xâm lăng Cuba.
           
Chiến tranh lạnh bắt đầu dịu bớt từ cuối thập niên 1980. Năm 1987 hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên Xô là Mikhail Gorbachev và tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, ký hiệp ước phá hủy nhiều tên lửa mang đầu hạt nhân của hai nước. Căng thẳng giảm xuống nhanh hơn khi Liên Xô rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan, nơi họ xâm lăng từ năm 1979. Cũng trong những năm cuối thập niên 1980, Gorbachev đưa ra chương trình "cải tổ" và "đổi mới" tại Liên Xô, thực hiện việc phân quyền trong hệ thống kinh tế, nhằm cải thiện nền kinh tế đang trên đà tụt dốc. Về mặt chính trị, Gorbachev mở rộng dân chủ, tăng quyền tự do bày tỏ ý kiến của công chúng trên toàn lãnh thổ Liên Xô. Gorbachev cũng cổ vũ các thay đổi kinh tế và chính trị trên các nước cộng sản Đông Âu.

Kết quả là chính quyền không cộng sản xuất hiện tại nhiều nước ở Đông Âu nơi từng bị cộng sản thống trị từ những năm cuối thập niên 1940. Năm 1990 Đông Đức và Tây Đức thống nhất dưới một chính quyền không cộng sản. Nhiều người tin rằng, sự kiện nầy là điểm mốc chấm dứt "chiến tranh lạnh". Ngày 19.8.1991 những người bảo thủ trong Bộ chính trị đảng cộng sản Liên Xô, tiến hành một cuộc đảo chánh lật đổ Gorbachev. Tổng thống Cộng hoà Nga Boris Yeltsin chống lại đảo chánh. Khoảng 50.000 người xuống đường biểu tình trước toà Quốc hội Nga bày tỏ sự ủng hộ Yeltsin. Ngày 21.8 đảo chánh thất bại, Gorbachev được phục hồi chức Tổng thống. Ngày 24.8, Gorbachev từ chức lãnh tụ đảng cộng sản Liên Xô.

Nhiều cộng hoà tuyên bố độc lập tách khỏi Liên bang Xô viết, gồm cả Liên bang Nga, Ukrain và Kazakhstan. Ngày 29.8.1991, Quốc hội Liên xô thông qua đạo luật cấm đảng cộng sản hoạt động. Ngày 25.12.1991 Mikhail Gorbachev từ chức Tổng thống, và hôm sau ngày 26.12.1991 Liên Xô hoàn toàn tan rã. Và lá cờ búa liềm của Liên bang Xô viết đang tung bay trên điện Kremlin bị kéo xuống, và lá cờ của Liên bang Nga kéo lên thay thế nó, chấm dứt sự thống trị của đảng cộng sản từ năm 1917.

V

Chủ nghĩa đế quốc tiêu vong và quốc gia mới xuất hiện. Chủ nghĩa thực dân chấm dứt sự cai trị thuộc địa với mức độ rộng trong thập niên 1950 và 1960. Sau chiến tranh thế giới II, nhiều quốc gia Châu Âu không còn đủ mạnh để cai trị thuộc địa thêm nữa. Trong khi đó, cảm nhận chủ nghĩa quốc gia và phong trào đấu tranh đòi độc lập đang lớn mạnh trong dân chúng, ở các thuộc địa Châu Á và Châu Phi. Đến năm 1980 thì tại Châu Á và Trung Đông gần 30 quốc gia được trao trả độc lập. Tại Châu Phi lên tới 50 nước. Việc ra đời của nhiều quốc gia mới như thế, làm tăng số thành viên Liên Hiệp Quốc, có ảnh hưởng làm cân bằng quyền lực của tổ chức này. Nhiều thuộc địa cũ trở thành thành viên của một tổ chức mới, tổ chức các quốc gia "Phi Liên kết" còn gọi là" Thế giới thứ 3". Các nước Phi Liên kết, có một đa số phiếu trong Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Việc chấm dứt chủ nghĩa thực dân, nó cũng tạo ra nhiều bất ổn chính trị trên thế giới. Trong nhiều trường hợp, chính quyền mới sa thải hầu hết các viên chức hành chánh có kinh nghiệm ở các tổ chức công quyền, khiến việc quản lý xã hội trở nên rối rắm. Và hầu hết các nhà lãnh đạo quốc gia mới nhận ra rằng, quả có quá nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội đang là những vấn đề bức xúc. Nhiều khu vực ở Châu Á và Châu Phi từng có một thời ổn định hoàn toàn bởi các nhà cai trị thuộc địa, nay bị tan vỡ vì các xung đột, tranh chấp giữa các quốc gia mới. Chẳng hạn tranh chấp Ấn Độ - Pakistan tại Nam Á, Israel - Ả Rập ở Trung Đông.

Hay tranh chấp quyền bính giữa các phe nhóm chính trị dẫn đến nội chiến trong nhiều quốc gia ở Trung Phi, và Nam Phi. Tất cả các quốc gia mới đều hy vọng rằng, khi chấm dứt sự khai thác bóc lột chủ nghĩa đế quốc - thực dân tại các thuộc địa, nó sẽ đương nhiên mang lại một điều gì đó tốt hơn cho nền kinh tế. Thế nhưng, ngược lại hầu như mỗi quốc gia đang phải tiếp tục đương đầu với các vấn đề khó khăn nghiêm trọng như dân số tăng nhanh, nghèo đói, bệnh tật, mù chữ. Và, họ đã nhận ra rằng nền kinh tế quốc gia không thể phát triển, nếu không có sự đầu tư từ các quốc gia giàu có. Nhưng họ cũng hiểu rằng việc đầu tư này thường dẫn đến các sự thay đổi chính trị, xen vào nội bộ quốc gia bản xứ từ nước cung cấp viện trợ, đầu tư.
                                               
VI

Thành tựu khoa học và hưởng lợi từ kỹ thuật. Trong những năm 1900, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật làm thay đổi thế giới bằng nhiều cách sinh động: máy bay, xe hơi, vệ tinh, viễn thông, điện toán, máy phát tia laser, kỹ nghệ lạnh, vô tuyến truyền thanh, truyền hình, trạm không gian. Thế nhưng, chỉ có một số rất ít phát minh về sự biến đổi trong đời sống con người ở thế kỷ này. Nghiên cứu bên trong cấu trúc hạt nguyên tử, mở rộng tầm nhìn của các khoa học gia về vũ trụ, dẫn đến việc khám phá năng lượng hạt nhân, như một nguồn cung cấp lực đẩy. Các con tàu vũ trụ không người lái điều khiển từ xa, thám hiểm hành tinh khác, và gởi về trái đất các dữ kiện về hành tinh mới khám phá.

Thuốc kháng sinh, và các thuốc giảm đau khác đã giúp kiểm soát hầu hết các bệnh lây nhiễm. Sản phẩm nông nghiệp tăng vọt nhờ các khoa học gia phát triển nhiều loại giống cây trồng tốt hơn. Phân hoá học, thuốc trừ sâu có tác dụng cao hơn. Sự tiến bộ nhanh trong lĩnh vực y khoa, và tăng nguồn thực phẩm đã có thể làm cho nhiều triệu người trên thế giới sống khỏe hơn, kéo dài tuổi thọ thêm hơn. Trong một số trường hợp, thành tựu khoa học kỹ thuật cũng tạo ra những vấn đề mới. Tiến bộ trong nghiên cứu hạt nhân chẳng hạn dẫn đến việc phát triển các loại vũ khí cực mạnh, với sức tàn phá lực lớn trong hai cường quốc Liên Xô, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, đe doạ nghiêm trọng an ninh, hòa bình thế giới.

Kỹ thuật công nghệ tăng nhanh, đẻ ra các ảnh hưởng nghiêm trọng cạnh nó như ô nhiễm môi trường, và các vấn đề khan hiếm nhiên liệu. Sự gia tăng tuổi thọ làm dân số gia tăng quá mức trong nhiều quốc gia đang phát triển, là những nước có tỉ lệ sinh còn quá cao, trong khi tỉ lệ tử đã giảm đi nhiều. Khoa học kỹ thuật phát triển nhanh trong các quốc gia giàu, nơi kiểm soát được tỉ lệ sinh, nên mức sống không ngừng gia tăng. Ngược lại, các nước nghèo không đủ tiền trang bị công nghệ hiện đại, kiến thức khoa học quản lý hạn chế, sinh suất lại ở mức cao, nên mức sống của người dân chưa được cải thiện nhiều, nếu không muốn nói vẫn còn ở mức khá thấp.

VII

Sự hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước. Trong một vài cách nào đó, thế giới hiện có vẻ như được phân chia rõ ràng. Không bùng nổ chiến tranh trực tiếp giữa các thế lực chính của thế giới từ sau chiến tranh thế giới lần II. Thế nhưng, cuộc chiến vẫn diễn ra hầu như mỗi ngày trên một phần đất nào đó của thế giới. Gần đây nhất Hoa Kỳ, Anh Quốc và các quốc gia khác, xâm lăng Iraq vì nghi ngờ nước nầy sản xuất và tàng trữ vũ khí hạt nhân có sức sát thương lớn. Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 dẫn đến một sự trống vắng quyền lực, trong nhiều quốc gia ở Đông Âu và Trung Á, nơi các căng thẳng của chủng tộc đã góp phần chia rẽ chính trị, cùng với xung đột sắc tộc, và bất ổn xã hội.

Trong lãnh vực kinh tế, hố sâu giữa các quốc gia đã phát triển và đang phát triển tăng thêm. Khoảng 60% cư dân trong thế giới thứ ba sống trong tình trạng nghèo đói, thì nguồn thực phẩm dư thừa, phải hủy bỏ một lượng lớn trong các quốc gia đã phát triển. Đơn giản, vì họ có được một đời sống đầy đủ, nếu không muốn nói là dư dả, cao sang. Cho dù ranh giới giữa các nước được phân định, con người và quốc gia vẫn còn bị ràng buộc với nhau, và gần gũi nhau nhiều hơn bất cứ thời gian nào trước đó. Hệ thống kết nối điện toán, và truyền thông điện tử, cũng như hệ thống vận chuyển thế giới rộng khắp là những phương tiện người ta có thể sử dụng trao đổi, chia sẻ thông tin, và chính kiến khắp toàn cầu.

Sự giao lưu giữa các nền văn hoá tăng nhanh, và rộng khắp hơn nhiều so với quá khứ. Sự hợp tác giữa các quốc gia trở nên ràng buộc, phụ thuộc vào nhau, chẳng hạn vấn đề ô nhiễm và cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trở thành vấn đề toàn cầu, không có một chính quyền, quốc gia nào tự mình có thể giải quyết được. Nhiều quốc gia phải phụ thuộc vào một, hoặc nhiều tổ chức chính trị hoặc kinh tế thế giới. Một số quốc gia đã phát triển, đang có các trợ giúp tài chánh và kỹ thuật cho các nước phát triển.

KẾT LUẬN.

Từ buổi bình minh của lịch sử loài người, nhiều sắc dân khác nhau của thế giới, từng phối hợp hoạt động với người láng giềng. Ngày nay, mỗi người trên thế giới đều thừa nhận rằng, sự phối hợp và phụ thuộc quốc tế của họ là cần thiết. Gia tăng phối hợp hành động giữa người và người trong các xã hội khác nhau, là một đề nghị nghiêm túc và cũng là niềm hy vọng rằng, các quốc gia có thể giải quyết các điểm dị biệt của họ trong thương thảo hòa bình, tránh xung đột không đáng có trên thế giới trong tương lai.

Đó là điều ước mong chung của nhân loại trong những năm đầu của thế kỷ 21.
   
                                                                               
                                                                                 Sydney ngày 21 tháng 2 năm 2008
                                                                                              
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
1. The World book Encyclopedia 1981, 1986, 2000, 2002, 2004, 2006, và 2007 USA by World Book Inc.
2. The Europa World Year Book 2000, 2003, 2004 và 2007 by Europa Publications Limited - London.
3. Whitaker’s Almanac 2001, 2003 và 2008, London by the Stationary Office Bookshops.
4. The World Almanac and book of Facts 2000, 2003, 2005, 2007 và 2008, USA by Primidia Reference Inc.
5. The Statement’s Year Book 2000, 2004,2005 và 2008, London, edited by Barry Turner.
6. The World Guide 2000, và 2005 Victoria Australia, by Hardie Grant Publishing.
7. The World Guide 1997/1998, HongKong, by Institute del Tercer Mundo.
                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét